Gia đình bệnh nhi cho biết: cách nhập viện 1 ngày, sau khi ăn bé đột ngột đau bụng tăng dần, nôn ói liên tục ra dịch vàng.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán: sốc giảm thể tích, viêm tụy cấp nặng, béo phì. Bệnh nhi được tức tốc thở oxy, bù dịch chống sốc, truyền kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch, đặt sonde dạ dày hút dịch và làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác.
Tình trạng của bệnh nhi diễn tiến nặng dần, bụng ngày càng căng to chèn ép phổi gây khó thở, men tụy tăng cao, siêu âm bụng ghi nhận tuyến tụy hoại tử, có nhiều dịch trong ổ bụng. Bệnh nhi được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị tiếp.
Tại đây, bệnh nhi được gắn monitor đa thông số theo dõi: huyết áp liên tục, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu. Đo áp lực ổ bụng, áp lực tĩnh mạch trung tâm để theo sát tình trạng bệnh, điều trị kịp thời. Tiếp tục truyền thuốc, bù dịch liên tục và hút dịch dạ dày.
Dù được điều trị tích cực, nhưng men tụy bệnh nhi tăng cao đến hơn 20 lần bình thường. Bệnh nhi lơ mơ, tụt huyết áp; dịch chảy vào ổ bụng ngày càng nhiều chèn ép gây tổn thương gan thận; chèn ép phổi nặng, oxy trong máu giảm.
Bệnh nhi tiếp tục được đặt ống gắn máy giúp thở, đặt dẫn lưu dịch ổ bụng giúp giải áp, bù dịch liên tục và sử dụng thuốc trợ tim mạch để duy trì huyết áp. Xét nghiệm máu nhiều lần trong ngày để điều chỉnh giúp cân bằng điện giải, toan kiềm và các chất cần thiết khác trong cơ thể.
Qua 10 ngày điều trị liên tục, bụng bệnh nhi xẹp dần, giảm đau nhiều, men tụy về gần bình thường, chức năng gan thận phục hồi. Bệnh nhi được cai máy thở áp lực dương liên tục qua mũi, uống nước đường và tập ăn cháo loãng.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm tụy ở trẻ em có dấu hiệu không rõ ràng. Nếu chậm phát hiện, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.